4 NĂM ĐẠI HỌC THỨ TÔI NHẬN ĐƯỢC KHÔNG CHỈ LÀ TẤM BẰNG 🌼

4 NĂM ĐẠI HỌC THỨ TÔI NHẬN ĐƯỢC KHÔNG CHỈ LÀ TẤM BẰNG 🌼

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cánh cửa đại học có lẽ là mục tiêu của rất nhiều người, bao gồm có mình. Hồi đó mình nhớ lúc mới chân ướt chân ráo khăn gói đi học, bỡ ngỡ và háo hức rất nhiều, cũng tưởng tượng đủ thứ trong kế hoạch cuộc đời mình. Rồi sau 4 năm, mình khép lại chặng đường đó, có tiếc nuối, cũng đầy lòng biết ơn. Đối với một đứa học Luật như mình, có lẽ mọi người sẽ cảm thấy rất khô khan, học rất khó, và cãi nhau rất giỏi. Nhưng thật ra, bốn năm đại học mang đến cho mình rất nhiều thứ. Vài năm nhìn lại, những sự thay đổi ấy giúp mình tốt hơn trong hiện tại. Vậy nên mình muốn chia sẻ đến mọi người 4 điều mà đại học mang lại cho mình những năm qua.

1. Đừng chỉ đánh giá sự việc từ một phía

Thỉnh thoảng mình nói chuyện, nghe kể về anh này xấu xa thế nào, chị kia đáng trách ra sao. Và có một điều là phần không nhỏ những câu chuyện đến từ người quen, từ những người xem bản thân họ là “nạn nhân”. Vậy nên chưa nói đến việc câu chuyện mang theo ý kiến chủ quan của người nói, có thêm mắm dặm muối hay không, thì đôi khi mình không thể nghe trọn vẹn được tình huống. Mình từng đọc topic về việc những phụ huynh bênh con bất chấp, cũng một phần từ việc đứa bé sợ bị mắng nên không dám kể phần sai của mình ra. Sau này lúc mình thực tập ở Viện Kiểm sát, tiếp xúc với hồ sơ một cách đầy đủ từ hai phía, mình mới nhận ra vị trí cầm cân này khác hẳn với việc làm luật sư bào chữa cho một bên. Đôi lúc những hồ sơ mình tiếp nhận, mình đọc của bên A thấy họ tội nghiệp ghê, nhưng lúc đọc bên B thì thấy họ cũng có cái lý lẽ của riêng mình. Bởi vậy nên, mỗi khi mình nghe câu chuyện nào đó, mình sẽ cố gắng nhìn sự việc một cách đa chiều, cũng đừng vội vã đưa ra phán xét. Đôi lúc sự thiếu thông tin và chủ quan của bản thân, ví dụ như đi đồn tin này kia, có thể làm tổn thương đến ai đó vô tội. 

2. Tranh cãi không đáng sợ, nhưng phải xem nó có đáng hay không!

Lần đầu mình đi làm, lúc viết đơn ly hôn cho khách, họ hỏi mình là, em học luật thì sau này cãi chồng ghê lắm nhỉ. Hồi đó mình chỉ buồn cười thôi, nhưng mình biết rất nhiều người cũng nghĩ mấy bạn dân luật thì rất “chiến”, chả ngán cuộc tranh luận nào, cãi cho thắng thì thôi. Nhiều khi cần tranh luận và cố gắng giành phần thắng, nhưng không phải là tất cả. Mâu thuẫn sẽ thúc đẩy sự phát triển, nhưng đó là khi mình tranh cãi với những bên có thiện chí, dựa trên tinh thần đóng góp ý kiến, giữ thái độ tôn trọng nhau để cùng nhau đi đến kết luận. Hoặc giả có nhiều vấn đề sẽ không có đáp án chính xác, hoặc là bạn cãi thua đi, biết dừng lại đúng lúc, thì quá trình tranh luận ấy cũng là bài học. Từ hồi mà mạng xã hội ngày càng phổ biến, tối đi làm về dạo dạo vài vòng lại thấy rất nhiều cuộc cãi vã vô thưởng vô phạt. Nhiều người bị cuốn vào cuộc chiến không hồi kết, với những người ẩn đằng sau cái tài khoản đôi khi còn là nặc danh. Sau khi dồn bao thời gian và sức lực, thứ bạn nhận về là bực bội, sỉ nhục, công kích. Mình không nói điều này đúng hay sai, nhưng với mình, để bản thân ra xa một chút khỏi những cuộc tranh cãi không đáng, không có căn cứ, không có thiện chí, chẳng muốn lắng nghe và thừa nhận sai lầm. Thời gian đó, học cái gì khác hoặc đơn giản là nghỉ ngơi còn có ích hơn. 

3. Học cách trở thành người lắng nghe giỏi

Ai cũng biết lắng nghe là một kỹ năng quan trọng. Khi bạn chỉ lo nói, thì việc bạn nhận được những thông tin mới bổ ích có tỷ lệ càng thấp. Một cuộc trò chuyện thú vị là cuộc trò chuyện xoay quanh cả hai, chứ không phải xoay quanh chính mình. Chúng ta không phải là cái rốn của vũ trụ. Việc lắng nghe kỹ lời nói của đối phương, cũng là cách để ta đưa ra được những phản hồi chính xác. Bày tỏ thái độ lắng nghe chân thành chứ không phải tỏ ra lịch sự cho có. Đặt nhiều câu hỏi hơn, thay vì chăm chú đưa ra câu trả lời. Và hãy đợi người khác nói xong rồi mình mới tiếp lời.
Mình từng thử một bài tập nhỏ khá hay, đó là cùng với một ai đó ngồi lại, lắng nghe câu chuyện của nhau, chỉ nghe thôi, không phản bác, không nêu ý kiến, cũng không yêu cầu lặp lại, và quy định thời gian. Sau khi một người kết thúc câu chuyện, bên còn lại kể lại câu chuyện đó, cố gắng kể chi tiết nhất và không thêm bất cứ nhận định chủ quan nào. Cách này giúp mình tập được cách thật sự tập trung vào người đối diện - người quan trọng nhất với mình trong khoảnh khắc đó - và tiếp nhận những thông tin, rèn luyện sự kiên nhẫn và khả năng ghi nhớ, không để tâm trí trôi dạt đến nơi xa.

4. Phòng hơn là chống

Điều này chắc mọi người nghe hoài luôn. Kiểu, lại nữa hả. Trước đây mình cũng nghe, đặc biệt là mỗi mùa dịch bệnh. Ấy vậy mà khi lên đại học. Mình mới thật sự thấm. Mình từng đọc một vụ kiện về việc bạn bè cùng nhau "góp gạo" mua đất chung. Cũng ngại nhau nên chả làm giấy tờ thoả thuận gì, giao tiền cũng chẳng kí tá, tin tưởng lẫn nhau xong sau này tới lúc có lợi nhuận thì bao chuyện xảy ra, chẳng nhìn nhau luôn. Rồi thừa kế thì cũng anh em một nhà, lúc ba mẹ còn thì không sao, đến lúc mất đi thì tờ di chúc cũng phải đi giám định. Mình biết có thể mọi người nghĩ học luật nhìn đâu cũng thấy rủi ro. Nhưng có những thứ nên rõ ràng ngay từ đầu, nhất là liên quan đến lợi ích. Vậy nên mình dần để ý nhiều hơn, cái gì có thể thì cứ phòng ngừa vẫn tốt hơn là bị động giải quyết tình huống đã rồi. Đơn cử như, mình học cách chăm sóc bản thân, ngủ sớm hơn, ăn uống khoa học hơn để giữ sức khoẻ, không thể ỷ vào mình còn khoẻ còn trẻ mà chủ quan. Hoặc như mỗi tháng, mỗi quý, mình làm quen với việc lên kế hoạch định kỳ và tính toán những bất cập có thể lường trước. Những điều nho nhỏ vậy thôi.
Bốn năm đại học không dài không ngắn, nhưng quãng thời gian đó có thể giúp ta trưởng thành hơn rất nhiều. Tận hưởng khoảng trời này và nhặt nhạnh cho mình những góc cạnh đẹp nhất nhé. 
Nguồn: Facebook - Gen Z tập viết Content
Back to blog

Leave a comment